FAO hỗ trợ tổ chức phi chính phủ của Việt Nam nhằm khuyến khích văn hóa sử dụng gỗ hợp pháp

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm gỗ cứng nhiệt đới có giá cao ở Việt Nam đã thúc đẩy việc khai thác và nhập khẩu trái phép các loại cây lấy gỗ đang gặp nguy cấp từ các nguồn có nguy cơ cao, đặt ra một thách thức đối với chương trình nghị sự quốc gia của Việt Nam về buôn bán gỗ hợp pháp và bền vững.

Để giải quyết vấn đề này, được sự hỗ trợ của Chương trình Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) của FAO-EU, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã tăng cường các nỗ lực truyền thông nhằm thúc đẩy sản xuất, buôn bán và tiêu thụ gỗ trong nước có trách nhiệm cho người tiêu dùng ở Việt Nam, cũng như hạn chế việc sử dụng gỗ bất hợp pháp.

khai-thac-go-hop-phap
Kiểm lâm kiểm tra nguồn gỗ khai thác

Để hiểu rõ hơn về xu hướng và sở thích đối với các sản phẩm gỗ của người dùng Việt Nam, CED đã tiến hành một cuộc khảo sát trên phạm vi toàn quốc với 300 người tiêu dùng, đặc biệt nhắm vào những người trong độ tuổi 18-44 – nhóm độ tuổi quan trọng do nhóm này có lượng tiêu thụ các sản phẩm gỗ cao. Mặc dù người mua nhận thức được tác động tổng thể của việc khai thác gỗ bất hợp pháp và buôn bán gỗ từ nguồn bất hợp pháp, nhưng chỉ có 3,5% người được hỏi có cân nhắc đến khía cạnh tính hợp pháp khi mua sản phẩm gỗ, và thường chọn chất lượng và giá cả là những yếu tố quyết định chính. Trái ngược với ý kiến hiện nay cho rằng người tiêu dùng không có quan điểm tích cực đối với gỗ rừng trồng, khảo sát cho thấy 97% người được hỏi không hề quan ngại gì đối với loại gỗ này. Quan trọng hơn là 96% số người được hỏi cho biết sẵn sàng trả mức giá cao hơn để được đảm bảo rằng gỗ mà mình mua có nguồn gốc hợp pháp.

Truyền thông hiệu quả để định hướng người mua về gỗ hợp pháp và ít rủi ro  

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc quản trị rừng tốt, nổi bật nhất là việc ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) với Liên minh Châu Âu (EU). VPA xác định khuôn khổ pháp lý để sản xuất, chế biến và buôn bán gỗ hợp pháp tại Việt Nam.

Với kết quả khảo sát lần này, CED dự kiến biên soạn một cuốn sổ tay (xuất bản trực tuyến)để hướng dẫn người tiêu dùng mua và sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững, cũng như hướng dẫn cách sử dụng các loại gỗ rừng trồng địa phương trong thiết kế và xây dựng. CED tin rằng việc hướng dẫn người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm gỗ hợp pháp và có thể thay thế sẽ đóng góp rất lớn cho việc giảm nhu cầu trong nước đối với các loại gỗ cứng nhiệt đới có nguồn gốc bất hợp pháp.

nguon-go-hop-phap
Nội thất Đoàn Tiến Lộc tại TAVICO HOME

Cuốn sổ tay hướng dẫn trực tuyến này có thể dùng như một tài liệu tham khảo để xây dựng các hướng dẫn hoặc chính sách mua sắm của các cơ quan, tổ chức chính phủ và/hoặc khu vực tư nhân trong tương lai.

Khi người tiêu dùng được hướng dẫn rõ ràng và có nhiều lựa chọn hơn đối với các sản phẩm hợp pháp với giá cả hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, tốt cho môi trường và xã hội, họ có thể đưa ra các quyết định có trách nhiệm hơn đối với gỗ và sản phẩm gỗ. Người trẻ, đặc biệt là các nhà thiết kế trẻ, sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này ‘, ông Nguyễn Diễn, Nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.

Giới thiệu tiềm năng của gỗ rừng trồng

Song song với các hoạt động trên, để khuyến khích hơn nữa những người trẻ sử dụng gỗ hợp pháp trong nước, CED đã thiết lập  mạng lưới lãnh đạo trẻ môi trường tại 5 trường đại học trên cả nước. Các bạn lãnh đạo trẻ này sẽ tổ chức các buổi giới thiệu và phát động một cuộc thi thiết kế về cách sử dụng các loại gỗ rừng trồng trong nước cho các đồ nội thất, kiến trúcvà nhà ở nhằm mục đích khuyến khích việc sử dụng gỗ hợp pháp và tăng nhu cầu đối với gỗ nội địa có rủi ro thấp.

Sáng kiến này ​​CED sẽ bổ trợ cho các chiến dịch truyền thông hiện có do FAO tài trợ và do Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (VNFOREST) ​​thiết kế, hướng tới khu vực tư nhân, giới truyền thông và các bên liên quan trong chính phủ. Truyền thông về những lợi ích của gỗ hợp pháp và bền vững là điều cần thiết để bảo vệ và quản lý bền vững các khu rừng tự nhiên còn lại của thế giới.

Kể từ năm 2016, Chương trình FLEGT của FAO-EU đã hỗ trợ 22 dự án tại Việt Nam, với tổng số vốn trên 2,3 triệu USD, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong việc sản xuất, chế biến và kinh doanh gỗ hợp pháp, tăng cường thể chế và nâng cao năng lực, cũng như công tác truyền thông.

Chương trình FAO-EU FLEGT của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc là một sáng kiến hướng tới nhu cầu toàn cầu nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cho các hoạt động giúp tăng cường các mục tiêu trong Kế hoạch Hành động FLEGT của Liên minh Châu Âu. Chương trình được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển và Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh.

Nguồn: FLEGT VPA Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *