TỔ ẤM MỘC MẠC VÀ BÌNH YÊN NHƯ VẬY THÔI

Nằm ở một vùng quê yên bình tại Yumesaki, ngôi nhà gỗ hiện là nơi ở của cặp vợ chồng trẻ vừa mới có em bé. Với không gian rộng rãi, môi trường trong lành cùng khí hậu mát mẻ, đây thật sự là một tổ ấm lý tưởng cho việc sinh hoạt, nghỉ ngơi và chăm sóc con nhỏ của gia chủ. 
Ngôi nhà đẹp mắt nổi bật với hai màu sắc chủ đạo là vàng nâu và đen của gỗ

Các KTS đã khéo léo thiết kế một “vùng đệm” ngăn cách giữa không gian bên ngoài với nơi ở của gia đình. Đây thực chất là những khoảng sân nhỏ được trồng cây xanh bao xung quanh ngôi nhà nhằm mang đến cảm giác thoải mái và dễ chịu cho gia chủ mỗi khi trở về nhà.

Khoảng sân trước rộng rãi, thoáng mát tạo không gian sinh hoạt ngoài trời lý tưởng cho các thành viên gia đình

Cây xanh được trồng xung quanh nơi ở mang đến bầu không khí mát mẻ, trong lành

Sân sau rộng rãi, mở ra khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi non, cây cối

Tầng 1 được thiết kế với nhiều cửa lớn mở thông ra bên ngoài tạo cảm giác thoáng mát và thoải mái. Nội thất thanh lịch, tinh tế, “ghi điểm” nhờ việc sử dụng đan xen, hợp lý gỗ tự nhiên kết hợp cùng nhiều chất liệu hiện đại để tạo nên các đồ dùng trong nhà.

Cửa ra vào kích thước lớn tạo sự kết nối giữa bên trong và bên ngoài ngôi nhà

Phòng khách và bếp được “tích hợp” trong cùng một khoảng không nhỏ, tạo cảm giác gần gũi, gắn bó trong các sinh hoạt của gia đình
Nội thất gỗ đơn giản, đẹp mắt tạo cảm giác lịch sự, tinh tế cho ngôi nhà

Không gian nấu nướng đầy đủ tiện nghi, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu sử dụng của chủ nhà

Nơi tiếp khách đơn giản được bố trí nằm gọn gàng bên cạnh một góc tường ngay lối ra vào
Bàn ăn bên khung cửa kính lớn tạo không gian dùng bữa độc đáo, thú vị cho gia chủ

Bếp lò được đặt ngay trong nhà giúp không gian sống trở nên ấm áp mỗi khi mùa đông về 

Củi đốt lò được xếp gọn gàng, ngay ngắn ngay bên cạnh nơi ở của gia đình

Bồn tắm hiện đại được trang bị tại phòng vệ sinh mang đến những trải nghiệm sử dụng tuyệt vời, thoải mái cho gia chủ

Tầng 2 không được chia thành các phòng ở mà được bố trí để trở thành nơi sinh hoạt chung cho các thành viên trong gia đình. Bởi vậy, không gian tại đây được thiết kế theo hướng “mở” với nhiều cửa sổ nhằm tận dụng nguồn không khí và ánh sáng tự nhiên bên ngoài. Ngoài ra, tại đây còn được kết nối với tầng 1 nhờ một khoảng trống thông tầng giúp mọi sinh hoạt trong nhà của các thành viên trở nên gần gũi và gắn bó.

Từ phía trên, có thể dễ dàng quan sát mọi hoạt động diễn ra tại tầng 1 ngôi nhà

Không gian rộng rãi, thoáng đãng, rất thích hợp để tổ chức những hoạt động tập thể có nhiều người tham dự

Với thiết kế nhẹ nhàng, gần gũi, House in Yumesaki đã mang đến cho gia chủ những trải nghiệm sống thật dễ chịu, thoải mái. Ngôi nhà là hình mẫu lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm một tổ ấm bình yên, đơn giản nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu sinh hoạt và nghỉ ngơi của con người trong giai đoạn hiện nay.

Thông tin công trình

Tên: House in Yumesaki

Địa điểm: Yumesaki

Thiết kế: Nakamura

Bài viết: Lê Hiếu

H’s House – Tổ ấm phảng phất mùi gỗ của cặp vợ chồng trẻ

H’s House là một công trình nhà thuộc phường Konan, thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa. Ngôi nhà là tổ ấm hạnh phúc của một cặp vợ chồng trẻ cùng chú mèo cưng của họ. Khó khăn nhất là phần đất xây nhà có độ dốc nhất định, nhóm thiết kế quyết định xây dựng phần móng sâu hơn thay vì làm tường chắn. 

Mặt tiền của H’s House nhỏ xinh, được sơn màu vàng nhạt dịu nhẹ và ấm áp

Thực tế, mặt bằng ngôi nhà có độ dốc nhất định, nên nhóm thiết kế đã đào móng sâu hơn, xây dựng phần móng vững chắc để ngôi nhà chịu được những rung chấn của động đất 

Chia sẻ với nhóm thiết kế, anh H kể về căn hộ cũ vợ chồng anh ở không cho phép nuôi mèo, nên anh chị quyết định xây một ngôi nhà mới. Tuy nhiên, mảnh đất mà 2 người mong muốn cùng chi phí xây nhà quá cao, nên bố mẹ đã tặng lại cho gia đình con gái một mảnh đất thuộc sở hữu của họ. Nhược điểm của mặt bằng là có độ dốc nhất định, nên nhóm thiết kế đã quyết định đào móng sâu và kiên cố thay vì xây tường chắn. Phần móng vững chãi có thể chịu được những trận động đất thường xảy ra ở Nhật Bản.

Ngôi nhà bao gồm 2 tầng, nhưng từ mặt tiền thì trông giống chỉ có 1 tầng. Tầng 2 có cấu trúc gác xép, tận dụng những không gian áp mái để tối ưu diện tích cũng như tiết kiệm chi phí. Phần mái nhà cũng được bố trí một lớp cách nhiệt cùng những khe thoáng để khí nóng thoát ra ngoài, nên không gian bên trong luôn mát mẻ bất chấp thời tiết nóng bức.

Sảnh ra vào của ngôi nhà ốp gạch thay vì sàn gỗ như gian chính, được phân chia cao độ khác nhau

Phòng khách và không gian giải trí được bố trí thấp hơn mặt tiền, nằm ở phần dốc của đất xây nhà

Sofa phòng khách bắt mắt nhờ hoạ tiết nhiều màu sắc 

Ngôi nhà sử dụng vật liệu chủ đạo là gỗ tự nhiên để ốp sàn và tường, mang đến vẻ ấm cúng cũng như giảm thiểu được những tác động tiêu cực của thời tiết vào bên trong

Ngôi nhà được thiết kế không chỉ phù hợp với gia chủ, mà còn phù hợp với chú mèo cưng của 2 vợ chồng

Khu vực bếp – ăn được bố trí cao hơn phòng khách

Đôi vợ chồng trẻ có không gian ăn uống, thưởng trà riêng tư hơn. Phòng này ngăn cách với bên ngoài nhờ cửa trượt kính khung gỗ 

Ngôi nhà tràn ngập ánh sáng nhờ thiết kế nhiều cửa sổ xung quanh nhà 

Chú mèo cưng của gia chủ có thể thoải mái nằm tại bất cứ đâu trong ngôi nhà 

Cầu thang của ngôi nhà là sự kết hợp của mặt cầu thang bằng gỗ và tay vịn sắt được sơn đen, mang đến cảm giác thoáng đãng hơn cho tổng thể

Bồn rửa tay của ngôi nhà được thiết kế tối giản, điểm nhấn là tường được ốp gạch gốm màu xanh, phối hài hoà với những chi tiết màu nâu của gỗ

Phòng vệ sinh nhỏ hẹp, trang bị những tiện nghi tối thiểu 

Phòng ngủ là tầng áp mái, tủ quần áo được đặt âm tường để tối ưu diện tích. Không gian bên trong luôn mát mẻ nhờ lớp cản nhiệt đã được nhóm thiết kế bố trí trên mái

Ngôi nhà sử dụng vật liệu gỗ tự nhiên làm chủ đạo, bao gồm gỗ tếch Myanmar và gỗ anh đào đen. Anh H chia sẻ rằng sau một thời gian sinh sống, không gian nhà vẫn phảng phất mùi gỗ, điều này khiến vợ chồng anh rất ưng ý.

H’s House là một công trình nhà ở với thiết kế rất hợp lý dù mặt bằng có độ dốc. Ngôi nhà mang đến không gian sinh hoạt rộng thoáng, đầy đủ tiện nghi phù hợp với gia chủ nuôi thú cưng và có sở thích trồng cây làm vườn.

Thông tin công trình:

Tên công trình: H’s House

Địa điểm: Phường Konan, Thành phố Yokohama, Tỉnh Kanagawa

Diện tích khu vực: 178,07㎡ 

Tổng diện tích sàn: 104,95㎡ 

Đơn vị thiết kế: Suumo

Năm hoàn thành: 2018

Bài viết: Khánh Linh

WEPLAY – CHUYỆN CHƠI CỦA NHỮNG LÃNG TỬ KIẾN TRÚC

Khá trẻ, rất tài, pha thêm chút ngang tàng hào sảng, gói ghém cả tính nóng nảy, bộc trực, khí khái, như lãng tử đang phiêu du với nghiệp đời kiến trúc – 11 tay chơi ấy là lãnh đạo 11 công ty thiết kế kiến trúc thành danh ở Hà Nội. Cái hay là 11 gã tụ lại chơi với nhau, thân nhau như anh em một nhà, khởi phát sân chơi kiến trúc WEPLAY – cuộc chơi của những người biết trân trọng nhau, làm nghề, sáng tạo hết mình, chơi hết mình, và rủ cả khách hàng cùng “chơi”, hay đúng hơn là phiêu trong sự sáng tạo bất tận.

WEPLAY 1
Nhóm KTS WEPLAY

Nhìn trên bình diện chung của thị trường, các văn phòng kiến trúc, các công ty thiết kế kiến trúc hiện nay vô số kể. Nhưng chắt lọc trong ấy những tên tuổi có tâm – có tầm, có đam mê – đạo đức với nghề, không dễ định dạng ngay được địa chỉ đỏ giúp khách hàng có nhu cầu tiếp cận. Có những KTS đã U50 mới được nhận định là “chín”, nhưng cũng có những sinh viên vừa tốt nghiệp đã có thể mở ngay văn phòng thiết kế kiến trúc, kiếm tiền nườm nượp. Một trong những nghiệt ngã của KTS, ấy là muốn làm nghề, sáng tạo, thiết kế một cách nghiêm túc, nhưng để cho ra những công trình để đời lại rất mất thời gian. Ranh giới đấu tranh giữa một bên là nghề, một bên là kinh tế bao giờ cũng thật mong manh trước sức ép gia đình, thời cuộc.

WEPLAY 2

WEPLAY 3

Cụm ảnh công trình nhà ở của KTS Nguyễn Hồng Quang. Có thể dễ nhận thấy trong các chi tiết thiết kế đều mang chủ ý dễ cho việc thi công, dễ nhân bản. Đường nét hiện đại, giản đơn và thanh nhã là điểm nhấn đẹp cho toàn công trình. Quang là người yêu thích hạng mục nhà ở để phục vụ ý đồ thiết kế, sáng tác theo ngôn ngữ riêng, chú trọng vào yếu tố bản địa (ngoại cảnh và con người).

Trở lại chuyện 11 gã trai nhóm WEPLAY, với điểm chung là ngôn ngữ thiết kế đậm hơi thở đương đại, nhưng đi vào chi tiết, vào chiều sâu từng công trình, mỗi cá nhân lại bộc lộ cá tính rất riêng. Thêm điểm chung nữa là cả nhóm có cùng quyết tâm theo đuổi phong cách thiết kế, sáng tác của riêng mình, mặc dù như chia sẻ của KTS Trần Quang Trung (ACCESS Design Lab) và KTS Nguyễn Hồng Quang (Toob Studio), rằng nhiều dự án bị rớt vì không tìm được chủ đầu tư phù hợp.

WEPLAY 5

Công trình Steak House do KTS Phạm Thanh Huy (282 Design Studio) thực hiện, chất liệu nổi bật là gỗ – thế mạnh trong thiết kế ở 282 Design Studio. Yếu tố cân bằng, tiết chế đường nét, hình khối tạo nên một tổng thể chặt chẽ, hòa hợp giữa không gian nội – ngoại thất.

WEPLAY 6

Dấu ấn của một công trình kiến trúc không chỉ dừng lại ở hình khối, không gian, bởi sức sống – nói một cách khác là phần hồn của công trình có trường tồn hay không, KTS có tiếp tục đi xa hơn nữa trên con đường nghề nghiệp hay không… hẳn còn dựa vào cách đặt vấn đề cho từng công trình, cách gửi gắm tư duy, câu chuyện vào trong thiết kế kiến trúc ấy. Điểm qua chặng đường hành nghề của WEPLAY, không khó để nhận ra những điểm mạnh nổi trội.

WEPLAY 7

Ngôn ngữ thiết kế nhà ở của KTS Lê Quang Thạch (Nội thất AVALO), theo quan niệm: “Mỗi công trình là một đam mê, sản phẩm hoàn thiện phải là sản phẩm thực sự thích, cứ nghiêm túc rồi sẽ… sung túc”.

WEPLAY 8

Đó là tính triết lý trong từng dự án của KTS Hồ Mộng Long – chuyên thiết kế các dự án nhà ở, khách sạn – với phong cách không chỉ chú tâm về công năng, hình thức mà đào sâu khai thác góc độ hình thành tư duy, bản chất của công trình, tăng tính tương tác giữa thiết kế với các công trình khác trong đô thị. KTS Vương Đạo Hoàng (Studio 102) lại theo đuổi một dòng kiến trúc thử nghiệm khi ứng dụng các đường nét, chi tiết trong kiến trúc bản địa, biến tấu thành phong cách: Lấy chi tiết cũ để làm mới không gian.

WEPLAY 9

Cụm ảnh công trình các khách sạn ở Nha Trang do KTS Hồ Mộng Long (HML Architect) thiết kế. Ngoài yêu cầu của chủ đầu tư về công năng thẩm mỹ, Long luôn đưa tư tưởng, suy nghĩ, bản chất của vấn đề vào dự án, đem lại nội dung, bản chất và chiều sâu cho thiết kế.

WEPLAY 10

WEPLAY 11

“KHI THỰC HIỆN MỘT DỰ ÁN,
NGOÀI YẾU TỐ TÍCH CỰC, CÓ RẤT NHIỀU YẾU TỐ TIÊU CỰC
NHƯ CẢN NẮNG, CẢN GIÓ, TẦM NHÌN, Ô NHIỄM…

TÔI LUÔN CHÚ TRỌNG TÌM RA GIẢI PHÁP
GIẢM THIỂU TỐI ĐA GÓC ĐỘ TIÊU CỰC CHO CÔNG TRÌNH”.

– KTS Hồ Mộng Long

WEPLAY 12

WEPLAY 13

Đồ án thiết kế hai công trình của KTS Nhâm Chí Kiên (Công ty CP Kiến trúc APDI) trưng bày tại triển lãm “Phù sa 1”, thể hiện rõ yếu tố môi trường, tận dụng nguồn sáng tự nhiên, đem lại giải pháp tiết kiệm năng lượng, giúp công trình thêm thân thiện, bền vững.

Cả những thiết kế đậm chất công năng, hiện đại, đường nét sắc cạnh, biểu đạt rõ hình khối, tối giản như KTS Trần Ngọc Linh (Idee Architects), ứng dụng các vật liệu mới như KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa (NGHIA-ARCHITECT) hay chú trọng yếu tố dễ cho việc thi công như trong các công trình của KTS Nguyễn Hồng Quang (TOOB Studio).
Mỗi cá nhân của WEPLAY đem thế mạnh riêng của từng người về hình khối, không gian, phân tích tâm lý, định vị, đưa giải pháp cho công trình… để tổng hòa, tạo ra sản phẩm thỏa mãn đam mê sáng tác, đồng thời tiệm cận – thuyết phục được chủ đầu tư kiến tạo một môi trường thực hành kiến trúc phù hợp để hành nghề nghiêm túc, cam kết sống với nghề. Nghe thì dễ, nhưng để thực hiện được là chuyện không hề nhỏ.

WEPLAY 14

Hòa nhập thiên nhiên, đơn giản nhất có thể là ngôn ngữ thiết kế quen thuộc của KTS Trần Ngọc Linh (Idee Architects), mỗi sản phẩm kiến trúc trước khi hình thành được phân tích dữ liệu, yếu tố ảnh hưởng công năng, ngoại cảnh rồi mới đến ý tưởng cho công trình.

WEPLAY 15

WEPLAY 16

WEPLAY 17

Những đường nét cá tính, định hình một giá trị thẩm mỹ độc đáo trong thiết kế của KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa (NGHIA-ARCHITECT) tại các công trình nhà ở, thông qua lối áp dụng văn hóa và kiến trúc bản địa vào thiết kế, hướng đến kiến trúc xanh, phát triển bền vững.

WEPLAY 18

Say nghề, trân trọng con người, trân trọng tính bản địa, nghiêm túc trong hoạt động nghề nghiệp, câu chuyện của WEPLAY sẽ vẫn tiếp nối, mở ra nhiều cảm hứng cho thế hệ kế thừa, cho xu hướng phát triển kiến trúc bền vững, hài hòa và đậm tính nhân văn.

“TÔI TIẾP XÚC VỚI NHIỀU CHỦ ĐẦU TƯ
VÀ THẤY RÕ NHU CẦU XÂY DỰNG NHÀ Ở LÀM CHỐN ĐI VỀ
VÀ NUÔI DƯỠNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH.

TÔI YÊU THÍCH HẠNG MỤC NHÀ Ở VÀ NGHIỆM RA
NẾU KTS KHÔNG NHIỀU TRẢI NGHIỆM,
CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH KHÔNG HẠNH PHÚC,
E RẰNG DỄ GẶP KHÓ KHĂN HƠN
TRONG VIỆC TẠO RA NHỮNG CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GIÁ TRỊ”.

– KTS Hoàng Minh Tuệ

WEPLAY 19

Công trình nhà ở – một lĩnh vực thiết kế yêu thích của KTS Hoàng Minh Tuệ (Rayarchitecture), với định hướng, tôn chỉ rõ ràng rằng kiến trúc hiện đại kết hợp công nghệ, quan tâm đặc biệt vào các chi tiết môi trường như ánh sáng, thông gió và giá trị công trình.

WEPLAY 20

“THIẾT KẾ CHỦ ĐẠO TÔI THEO ĐUỔI
THƯỜNG CÓ CÔNG NĂNG TRONG MƠ, VIỄN TƯỞNG (UTOPIA),
CÁC DỰ ÁN NÀY BỊ RỚT NHIỀU,
VÌ PHẢI TÌM ĐƯỢC VỊ TRÍ – BỐI CẢNH – KHÁCH HÀNG (TRONG MƠ)
MỚI CÓ ĐỦ KHẢ NĂNG THỰC HIỆN”.

– KTS Trần Quang Trung

WEPLAY 21

Ngôi nhà nổi trên mặt hồ, công năng là phòng ăn uống, tiếp bạn. Đây là thiết kế mang yếu tố viễn tưởng của kiến trúc tương lai do KTS Trần Quang Trung (ACCESS Design Lab) thực hiện theo trí tưởng tượng. Công trình hiện đang trong giai đoạn thi công.

WEPLAY 22

WEPLAY 23

Cụm ảnh công trình khách sạn Space Hotel ở Ninh Bình của KTS Vương Đạo Hoàng (Studio 102), với phương châm thiết kế là phát triển kiến trúc sạch, đơn giản, công năng, thẩm mỹ và kinh tế, lấy yếu tố văn hóa – xã hội biến thành nhân tố khác biệt trong kiến trúc.

WEPLAY 24

WEPLAY 25

TRIỂN LÃM CÁC ĐỒ ÁN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CỦA NHÓM 11 KTS  WEPLAY MANG TÊN “PHÙ SA”

Nhóm gồm KTS Vương Đạo Hoàng/Studio 102, KTS Phạm Thanh Huy/282 Design Studio, KTS Nhâm Chí Kiên/APDI, KTS Trần Ngọc Linh/Idee Architects, KTS Hồ Mộng Long/HML Architect, KTS Nguyễn Hồng Quang/TOOB Studio, KTS Nguyễn Thái Sơn/SAA, KTS Lê Quang Thạch/Nội thất AVALO, KTS Trần Quang Trung/ACCESS Design Lab, KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa/NGHIA-ARCHITECT, KTS Hoàng Minh Tuệ/RAYARCHITECTURE. Triển lãm “Phù sa” đánh dấu chặng đường hành nghề của WEPLAY – những người luôn nâng niu, cầu kỳ, sáng tạo hết mình cho từng ý tưởng bằng sự nghiêm túc và trân trọng. Triển lãm kỳ vọng diễn ra thường niên, đem lại mối tương tác với xã hội, đem thẩm mỹ, cách nghĩ của WEPLAY hòa với dòng chảy xã hội.

WEPLAY 26

WEPLAY thể hiện ở “Phù sa” một hành trình sáng tạo, cách tiếp cận kiến trúc và những bồi đắp tri thức để cho ra các công trình đậm dấu ấn, như một tổng kết nhỏ trong quá trình hành nghề của nhóm WEPLAY.

WEPLAY 27

WEPLAY 30

Không gian triển lãm “Phù sa” lấy cảm hứng từ dòng chảy sông Hồng trưng bày các công trình tiêu biểu của nhóm WEPLAY.

WEPLAY 28

HIỆN ĐẠI VÀ GIẢN ĐƠN KHÔNG GIAN THÀNH THỊ

Cùng với sự phát triển của đô thị, khói bụi ô nhiễm trong môi trường hiện nay luôn là mối bận tâm của không ít người. Thế nhưng không chỉ đến từ các tác nhân bên ngoài mà thậm chí còn xuất phát từ trong chính ngôi nhà chúng ta đang sống. Vì có lẽ mà phong cách hiện đại, sử dụng chất liệu gỗ mộc mạc để kết hợp máy lọc không khí, cùng khoảng xanh bao quanh nhà lại trở nên giá trị hơn bao giờ hết.

Căn hộ bọc giữa mảng xanh

Điểm qua hướng nhìn từ trong nhà ra cửa sổ, ban công của căn hộ, thật không khó để bắt gặp những mảng xanh dịu mắt, đem lại bầu không khí thoáng đãng, cảm giác thanh sạch. Quan điểm thiết kế đem mảng xanh bao phủ không gian đang ngày càng được các KTS sử dụng nhuần nhuyễn và hiệu quả tích cực mà chúng đem lại như cản khói bụi, lọc không khí và làm mát không gian.

Giải pháp thanh lọc cuộc sống

Chúng ta vẫn thường nghĩ các tác nhân gây ô nhiễm chỉ nằm ở điều kiện bên ngoài mà chủ quan quên đi rằng chính khói thuốc, chất gây ô nhiễm trong quá trình hoàn thiện xây dựng, nấu nướng, sinh hoạt thường nhật cũng là mối lo cần để tâm.

Việc ưu tiên điểm nhìn và chia sẻ nhiều diện tích cho mảng xanh, cân bằng tỷ lệ trong không gian hãy sử dụng nhiều chi tiết như màu gỗ nhạt, bề mặt tường sơn vân mây là giải pháp khá hợp lý để mộc mạc hóa và làm mát ngôi nhà thông qua thị giác. Chính sự đơn giản này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lau dọn, giảm thiểu nguồn ô nhiễm từ bên trong.

Không gian trân trọng sức khỏe

Đơn giản hóa yếu tố trong trang trí, tập trung vào bề mặt, vật liệu, khoảng trống cũng như kết nối với mảng xanh được xem là cách tinh tế trong việc nhấn mạnh giá trị sức khỏe thông qua tận hưởng “thiên nhiên sạch”. Cây cảnh là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc tạo khong gian sống thoáng đãng, vừa tạo tính thẩm mỹ cũng như điều hòa, lọc khí cho gia chủ.

DZMOON – KHÔNG GIAN SỐNG CHAN HÒA NẮNG GIÓ

Dzmoon được thiết kế trên diện tích đất phân lô tọa lạc tại thành phố biển Đà Nẵng. Ngôi nhà nằm trong khu vực đang phát triển của quá trình đô thị hóa nên khá thiếu cây xanh. Bởi vậy, gia chủ muốn ngôi nhà của mình sẽ có nhiều cây và nắng gió thanh bình để cả gia đình cùng nghỉ ngơi, thư giãn. 

Để đáp ứng mong muốn của gia chủ, nhóm KTS đã tập trung tạo ra những khoảng sân vườn và cây xanh xen kẽ trong các khu vực sinh hoạt trong và ngoài trời. Đồng thời hạn chế các vách ngăn giữa các không gian để có sự kết nối liền mạch, tạo độ thoáng cho bên trong ngôi nhà.

Ngôi nhà nằm trong vùng quy hoạch mới nên xung quanh khá trống vắng

Mặt tiền ấn tượng bởi chi tiết trước cổng nhà có hình dáng gấp như chiếc quạt giấy

Vì gia đình có 3 bé nhỏ, nên ngoài sử dụng phần sân làm sân vườn và chỗ để xe, gia chủ còn tạo ra không gian vui chơi cho các bé bằng chiếc xích đu

Phần trần của sân được “đục thủng” để cây xanh thoải mái vươn cao lên các tầng trên

KTS bố trí không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp – ăn KTS tại tầng 1. Tầng 2 và 3 dành riêng cho các phòng riêng tư của các thành viên. Gỗ được lựa chọn làm vật liệu nội thất chính để tạo cảm giác ấm cúng, kết hợp với vật liệu đá mang màu sắc trung tính sử dụng cho các chi tiết tại khoảng thông tầng, góp phần giảm thiểu đáng kể nhiệt độ nóng cho ngôi nhà.

Tổ hợp không gian phòng khách và bếp – ăn được thiết kế mở thông nhau giúp việc điều hòa không khí và gió trời hiệu quả

Vì vật liệu gỗ là chủ yếu nên bộ ghế sofa KTS chọn tone màu nâu trầm để tạo sự đồng bộ cho nội thất

Bàn đảo bếp và bàn ăn được thiết kế nối liền giúp căn bếp gọn gàng, không tốn nhiều diện tích

Không gian bếp ấm cúng, nhẹ nhàng

G HOUSE NHÀ TAM GIÁC 1 TRỆT, 1 LỬNG CHO TỔ ẤM

Được thiết kế dành cho một cặp vợ chồng và con nhỏ, G House có kiến trúc nên thơ như một ngôi nhà cổ tích với mái ngói tam giác cùng phong cách chiết trung của Nhật Bản kết hợp phương Tây. 

Ngôi nhà một tầng nhỏ xinh được bao quanh bởi vườn cây xanh

Nằm trong lòng thành phố Otsu, Nhật Bản, G House không mang kiến trúc hiện đại như những căn nhà phố khác mà khoác lên mình một diện mạo nên thơ với phong cách chiết trung đậm hơi thở phương Tây. Ngôi nhà được bao quanh bởi một sân trước ngập tràn cây xanh và hoa lá, cùng với một nhà kính trồng cây kế bên. Có thể nói không gian sống của G House đậm chất mộng mơ và đẹp như những ngôi nhà trong truyện kể cổ tích.

nha-tam-giac-1-tret-1-lung-G House
Ngôi nhà mới được xây dựng nhưng mang phong cách của một ngôi nhà kiểu phương Tây lâu năm

Điểm ấn tượng trong thiết kế của G House là chiếc mái tam giác có độ dốc lên tới 8 inch. Cùng với chiều cao một tầng, một lửng, ngôi nhà mang đến cảm giác nhỏ xinh, ấm cúng của một tổ ấm như mơ.

nha-tam-giac-1-tret-1-lung
Toàn cảnh tầng trệt ngôi nhà từ phòng trẻ em trên gác lửng

G House mang vẻ đẹp cổ điển của phong cách chiết Trung phương Tây kết hợp một số nét đẹp trong kiến trúc Nhật Bản. Người vợ trong gia đình đã từng sống ở phương Tây nên G House tái hiện một không gian hoài cổ trong cấu trúc nhà xây mới. Hầu hết nội thất trong ngôi nhà đều là đồ nhập khẩu, mang vẻ đẹp cổ điển. Ngay từ cửa chính bước vào, ngôi nhà mở ra một không gian choáng ngợp với kệ sách đồ sộ chạy dọc theo chiều sâu ngôi nhà. Thảm thổ cẩm và bộ ghế sofa da cũng góp phần tạo nên chất cổ điển cho công trình. Từng chiếc tủ kệ, bàn ghế với phong cách hoài cổ được đặt cạnh nhau, tạo nên một tổng thể ấm cúng và bình yên.

nha-tam-giac-1-tret-1-lung
Bếp và khu vực ăn được đặt cạnh phòng khách
nha-tam-giac-1-tret-1-lung
Chiếc võng ngay tại phòng khách là nơi thư giãn được trẻ nhỏ trong nhà rất yêu thích
nha-tam-giac-1-tret-1-lung
Những góc đậm chất cổ điển trong G House

G House được xây dựng trong một khu dân cư nhà san sát nhau nên ngôi nhà hầu như không có cửa sổ trên tường. Thay vào đó, những ô giếng trời mở trên mái tam giác giúp không gian trong nhà hứng đón được ánh sáng tự nhiên. Vì mái nhọn với độ dốc 8 inch nên ngôi nhà có thể tránh được ánh nắng trực tiếp ngay cả từ giếng trời và không bị nóng ngay cả vào mùa hè. Nhờ vậy mà G House không cần đến đèn chiếu sáng vào ban ngày.

nha-tam-giac-1-tret-1-lung
Khoảng đệm ở hông nhà là nơi gia chủ trồng nhiều loại cây cảnh trong nhà

Một không gian được yêu thích khác ở G House có lẽ chính là phòng tắm. Phòng tắm được đặt tại hông nhà, cách nhà kính trồng cây kế bên một khoảng đệm. Nhờ có khoảng đệm này mà kiến trúc sư có thể mở cửa kính thông phòng, tạo cảm giác như phòng tắm lộ thiên nhưng vẫn giữ được sự riêng tư.

nha-tam-giac-1-tret-1-lung
Không gian phòng tắm đầy thông thoáng, mở tầm nhìn ra cây cảnh trước mặt

Với những gia đình yêu thích một không gian sống yên bình, trầm lặng và vừa đủ thì kiến trúc chiết trung mang phong cách phương Tây của G House là một gợi ý đáng tham khảo.

nha-tam-giac-1-tret-1-lung
Thiết kế mặt bên của G House, ngôi nhà dành phần lớn diện tích để trồng cây xanh

Phong cách chiết trung mang cả màu sắc phương Tây và Nhật Bản

Trên mặt sàn có diện tích 51m2, G House chỉ cần một tầng và một lửng để đáp ứng đủ không gian sinh hoạt cho gia đình 3 người. Tầng một bao gồm không gian sinh hoạt chung gồm: phòng khách, nhà bếp, công trình phụ và phòng bố mẹ. Tầng lửng là không gian riêng của cậu con trai. Điều đặc biệt của G house là ngôi nhà có một không gian mở rộng lớn không dùng cột chống vẫn đảm bảo an toàn trước những trận động đất. Với kiến trúc không cột, ngôi nhà càng trở nên rộng rãi, thông thoáng mà không rơi vào tình trạng chật hẹp.

Thông tin công trình:

Tên công trình: G House

Địa điểm: Otsu, Japan

Tổng diện tích: 132m2

Diện tích xây dựng: 51m2

Năm: 2015

Đơn vị thiết kế: ATM Architecture

Bài viết: Tùng Dương

TINH GIẢN TRONG SỰ HOANG SƠ

Như lớp vỏ ấm áp, tạo nhịp cầu kết nối gia chủ với thiên nhiên, ngôi nhà tại Kerala, Ấn Độ là hành trình góp nhặt trên mảnh vườn khai hoang, tạo nên không gian nghỉ dưỡng cộng hưởng từ nhiều phong cách.

tinh-gian-sau-sac
India Home.

Với yêu cầu ngắn gọn của gia chủ: một ngôi nhà thật chất lượng để trở về sau mỗi chuyến đi xa, bộ đôi Afnan & Arun quyết định sẽ chuyển hóa tất cả theo ngôn ngữ tạo hình tinh giản mà vẫn lồng ghép trải nghiệm đắt giá. Những ghi chú đầu tiên cho kế hoạch xây dựng không phải bản phác thảo hình khối, thẩm mỹ hay công năng mà là định hướng thiết kế bền vững, tận dụng tối đa vật liệu sẵn có từ địa phương.

tinh-gian-sau-sac
Trải nghiệm sống tinh giản đắt giá trên nền tảng thiết kế bền vững
tinh-gian-sau-sac
Ngôi nhà có cấu trúc kim loại kết hợp mái ngói đất sét. Những mẫu gốm từ nhà sản xuất địa phương được tận dụng làm dãy đèn treo phía trên bàn ăn.
tinh-gian-sau-sac
Bộ ghế ăn có nguồn gốc từ trung tâm nghệ thuật Kerala.
tinh-gian-sau-sac
Không gian lược giản yếu tố trang trí, chừa lại các khoảng thở và bồi đắp thêm bằng các vật dụng giá trị.

Các chất liệu có thể khai thác trong khu vực như đất sét, đất nung, gỗ vụn tái chế, thậm chí cả nguồn lực lao động, ánh sáng, khí trời và cây xanh đều đóng vai trò then chốt định hình không gian. Ngôi nhà mang tinh thần nhiệt đới bản địa pha lẫn xu hướng đương đại, đề cao tính thư giãn thị giác thông qua giản lược yếu tố thừa, đồng thời giữ lại chi tiết văn hóa làm mối dây rung cảm đặc biệt.

tinh-gian-sau-sac
Màu sắc, chất liệu của gỗ và gốm đóng vai trò quyết định cảm quan thẩm mỹ mộc mạc trong công trình.

tinh-gian-sau-sac

Vải treo tường tái chế từ vật liệu cũ. Bình muối dưa bằng gốm được tận dụng làm đồ trang trí. Ghế gỗ phục chế từ đồ cũ mua ở phía Nam Kerala. Hầu hết các vật dụng trong công trình đều là đồ nội thất đóng riêng hoặc chỉnh sửa từ hiện trạng cũ.

tinh-gian-sau-sac
Giường ngủ được thiết kế riêng cho công trình, vải mền kết hợp nhiều thương hiệu địa phương và quốc tế.

India 9

Phong cách nội thất của công trình tuy quan trọng nhưng đặt giữa bối cảnh này lại đóng vai trò thứ yếu, NTK chỉ sử dụng chúng làm đòn bẩy cho trải nghiệm không gian. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi, bao quanh là cây cối xanh tốt, tiếng chim hót, lá xào xạc, tất cả như tấm áo mỏng phủ lên khối nhà đơn sơ. Cảm giác yên bình cũng theo đó mà hình thành. Trên nền tảng sinh hoạt của gia chủ, việc lựa chọn vật dụng nội thất không chỉ là quá trình sắp xếp sao cho hợp lý.

Mỗi câu chuyện về từng món đồ là nguồn sinh khí dồi dào nuôi dưỡng cảm xúc không gian. Đó có thể là chiếc cửa mua lại từ ngôi nhà cũ gần Mattanchery, băng ghế do thợ mộc địa phương đóng hay món quà từ người bạn lâu năm – một tấm gương đứng… Mọi thứ lần lượt đặt trên phông nền mướt xanh cây lá, chất mộc mạc của gỗ, đất xen lẫn ánh quang kim loại, tổng hòa thành dòng chảy kết nối trong – ngoài.

Từ chia sẻ của người thiết kế, hóa ra thách thức lớn nhất để hoàn thiện công trình là thời gian tích lũy, tìm kiếm và khai phá giá trị từng món vật dụng, để ngôi nhà trở thành nơi lưu dấu ký ức mỗi khi trở về.

Nguồn: Elle Decoration

WOOD – Không gian kết nối công việc và giải trí

WOOD sự dung hoà giữa văn phòng làm việc và các loại hình dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khoẻ, mang đến môi trường làm việc đương đại cho những cá nhân hoặc nhóm cộng đồng ưa thích sự tự do, đề cao tính tương tác.

WOOD được hình thành như một không gian cao cấp dành cho những người hoặc nhóm người làm việc tự do tại Lisbon. Công trình kết hợp linh hoạt giữa văn phòng làm việc chung với nhiều tiện nghi của dịch vụ giải trí, ngoài ra còn có lớp học yoga, trung tâm chăm sóc sức khoẻ và tất nhiên là các khu vực chức năng cơ bản khác. WOOD nằm trong toà nhà 8 tầng xây dựng từ thập niên 1980, nay được cải tạo lại cả ở mặt tiền lẫn nội thất, biến khối kiến trúc cũ kỹ thành nơi thoải mái, vui vẻ và hiện đại.

WOOD 1
Toà nhà 8 tầng được cải tạo thành khối văn phòng cho thuê kết hợp nhiều loại hình dịch vụ.

WOOD 2

Vẻ thanh lịch mang tinh thần mid-century qua lăng kính đương đại được các NTK lồng ghép khéo léo vào không gian dựa trên cảm hứng từ loạt phim truyền hình Mad Men. Các khu vực được tô điểm bằng bảng màu mát mắt với tông xanh lá – xanh lam làm chủ đạo, xen lẫn đó là gỗ tự nhiên, nệm bọc da, tác phẩm nghệ thuật và cây xanh.

WOOD 3
Xanh lam và xanh lá là hai tông màu chủ đạo.
WOOD 4
Độ ấm của gỗ giúp cân bằng thị giác.

Trải rộng khắp 8 tầng của toà nhà là 45 khối văn phòng riêng, 5 phòng họp, 12 không gian chung và 7 buồng làm việc riêng. WOOD sở hữu nhiều tiện nghi phục vụ cho các nhu cầu chuyện nghiệp của người sử dụng, đặc biệt là những trung tâm chăm sóc sức khoẻ với các lớp thiền, trị liệu tinh dầu hay bấm huyệt. Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao năng suất làm việc của thành viên cũng như hỗ trợ cân bằng cuộc sống.

Khu vực dịch vụ của WOOD còn cung cấp trái cây tươi, nước uống và bữa sáng cùng chỗ ngồi lý tưởng trên sân thượng. Ngoài ra công trình còn có nhà hàng, thư viện với nhiều đầu sách đa dạng. Tất cả tạo nên chốn văn phòng dung hoà giữa công việc và giải trí.

WOOD 5
Buồng làm việc riêng.

WOOD 6

Nguồn: Elle Decoration

Organic House – Giấc mơ trong lòng đất

Rời bỏ những khái niệm được đóng khuôn vào không gian sống hiện nay, Organic House chọn lấy khoảng riêng cho mình ngay dưới mặt đất, nhường lại toàn bộ khoảng không phía trên cho mảnh xanh của cây cỏ.

KTS thực hiện Organic House: Javier Senosiain.
Địa điểm: Naucalpan de Juárez, Mexico.
Diện tích: 178 mét vuông.

organic-house-giac-mo-trong-long-dat
Chốn xanh ngát của ngôi nhà đặc biệt Organic House.

Sử dụng nguồn cảm hứng có phần lạ lùng từ…vỏ đậu phộng, Organic House là dự án với kết cấu bao gồm hai không gian hình bầu dục chìm dưới địa hình đất nhưng vẫn tràn ngập ánh sáng. Với đường nét không gian khác biết hoàn toàn với nhiều loại hình nhà ở mang khái niệm phổ thông nhưng Organic House vẫn đảm bảo đầy đủ các khu vực chức năng trong cuộc sống như khu sinh hoạt chung, phòng ăn, nhà bếp, các phòng ngủ và phòng tắm. Khi con người cần nhiều hơn những mảng xanh trong cuộc sống, họ tìm đến bên dưới mặt đất, trả lại khoảng xanh thông thoáng cho cây cỏ ngay phía trên, một giải pháp “xanh” hợp lý và bức thiết.

organic-house-giac-mo-trong-long-dat

Trong quá trình xây dựng, sự đồng nhất, thông thoáng và liên tục trong không gian là yêu cầu đặt ra cho các nhà thiết kế. Để đáp ứng được điều này, một loại vật liệu với tính năng đúc dẻo đã cho phép họ có thể tạo hình đúng với mong muốn của mình. Ngoài ra loại vật liệu được lựa chọn riêng biệt này còn đảm bảo nhu cầu cách điện, chống thấm để phù hợp hơn với vị trí dưới lòng đất. Từ đây hệ khung ban đầu của không gian đã được hình thành.

organic-house-giac-mo-trong-long-dat
Loại vật liệu đặc biệt giúp nhóm thiết kế dễ dàng tạo hình ngôi nhà ngay dưới lòng đất.

Organic House 5

organic-house-giac-mo-trong-long-dat

Trái với các suy nghĩ rập khuôn về lòng đất, ngôi nhà với tạo hình xoắn vòng này lại là nơi tràn ngập ánh sáng nhờ những khoảng cửa sổ đón nắng hợp lý giữa không gian gần như không tồn tại khái niệm góc vuông. Việc thông gió cũng được chăm chút kỹ lưỡng, tạo điều kiện cho không khí lưu thông thoáng đãng trong toàn bộ các khu vực.

organic-house-giac-mo-trong-long-dat
Ngôi nhà dường như không tồn tại khái niệm hình khối vuông góc.

Cũng bởi vị trí đặc biệt của mình mà Organic House là biểu tượng cho những giấc mơ, nơi con người nhường chỗ lại cho tầng xanh thực vật, đáp ứng nhu cầu bền vững, khoảng thở vừa vặn cho môi trường sống. Nếu đặt tầm mắt từ ngoài nhìn vào, toàn bộ dãy công trình chỉ là cây cỏ đua nhau nở rộ trên những triền đồi thấp tựa vùng đất Hobbit trong thần thoại của nhà văn J.R. R. Tolkien. Đấy chẳng phải một giấc mơ hay một địa điểm trong cổ tích, đó là sự thật với Organic House.

organic-house-giac-mo-trong-long-dat

organic-house-giac-mo-trong-long-dat
Chốn mộng mơ giữa đời thực.

 

Thể chất và tinh thần chuẩn mực mới của thiết kế không gian

Trong lịch sử thiết kế, sự đổi mới liên tục luôn tồn tại song song với những nền tảng thẩm mỹ bất biến. Trải qua nhiều mốc thời gian, mỗi phong cách riêng biệt đôi khi chỉ tìm thấy nhau qua nhiều mối giao thoa bất ngờ. Từ đó, “biên giới” của từng phong cách dần được xóa nhòa. Và khi không còn rào cản rạch ròi nữa, nghiễm nhiên những chuẩn mực định hình khác bắt đầu được nhen nhóm, hình thành như một thước đo giá trị để con người tiếp tục theo đuổi chân trời mới trong thế giới sáng tạo vô biên.

Giá trị mới lên ngôi

Bất cứ ở thời đại nào con người vẫn luôn có những thứ bận tâm sâu sắc. Ngày nay, môi trường hay sức khỏe con người là một trong những tâm điểm của sự chú ý trải rộng trên nhiều lĩnh vực, lẽ dĩ nhiên, thiết kế không phải ngoại lệ.

Mỗi thiết kế được đánh giá thành công hiện nay là vì sức khỏe con người, cả về thể chất lẫn tinh thần, bởi lẽ sự sáng tạo bao giờ cũng đi kèm với tính nhân văn và lòng trắc ẩn. Tính nhân văn ở đây là cách mà mọi thành tố trong không gian được quy chiếu dựa trên con người và lòng trắc ẩn, mang đến sự thấu hiểu của người thiết kế với mọi khả năng khác nhau sẽ xuất hiện trong quá trình sử dụng. không gian đem lại tính ổn định – điều dường như đang dần trở thành lý tưởng mới cho các nhà sáng tạo.

the-chat-va-tinh-than-chuan-muc-moi-cua-thiet-ke-khong-gian
Ý tưởng thiết kế nhà vệ sinh công cộng tại Trung Quốc

Thể chất con người không chỉ cần được phục hồi bởi quá trình chăm sóc, trị liệu từ bên ngoài mà còn phải được nuôi dưỡng từ không gian. Và công nghệ nên là lĩnh vực được nhắc đến khi nói về mối tương quan giữa không gian về thể chất. không thể phủ nhận quá trình phát triển nhanh chóng của công nghệ tồn tại nhungwax mặt trái gây hại đến sức khỏe con người, nhưng cùng với tác nhân tiêu cực ấy là những nỗ lực cải tiến nhằm trả mọi thứ về sự cân bằng. Tuck – một ứng dụng trực tuyến do “chuyên gia giấc ngủ” Bill Fish đồng sáng lập đã hỗ trợ điều chỉnh lại ánh sáng trong không gian nghỉ ngơi thông qua cảm biến chuyển động, tránh việc nhiễu loạn không đáng có khi thư giãn.

Ngoài ra ứng dụng này còn đóng vai trò như một chiếc đồng hồ báo thức ” mặt trời mọc “, đua con người ra khỏi trạng thái buồn ngủ trong trạng thái thoải mái đúng với cơ chế sinh học bằng cách tạo ra ánh sáng nhân tạo phủ khắp phòng – hình thức mô phỏng theo cơ chế của ánh nắng mặt trời. Đay là cách đánh thức con người khỏi giấc ngủ không tạo ra việc thức giấc bất ngờ, điều về lâu dài sẽ tổn hại đến sức khỏe và thể chất. Ngoài ánh sáng ra, nhiệt độ, âm thanh cũng ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài của thể chất. Kéo theo đó là những thiết kế mang tính bảo toàn nhiệt độ, cách âm, cách nhiệt cũng được chú trọng như phần không thể thiếu trong các tiêu chí.

the-chat-va-tinh-than-chuan-muc-moi-cua-thiet-ke-khong-gian
Mảng xanh bao phủ phản chiếu lại trong khu nhà vệ sinh công cộng Zhubo Design

Vật liệu trong không gian cũng được lựa chọn hoàn toàn có chủ đích, bóng kính, nhám, mờ… thay vì chỉ mang tính thẩm mỹ qua mắt nhìn như trước đây thì ở hiện tại chúng còn được xét duyệt dụa trên quá trình sản xuất. Càng gây ít tác động tiêu cực đến môi trường, ít hóa chất, tối ưu tính tự nhiên và đề cao tinh thần thủ công lại càng được ưa chuộng. Đặc biệt là các loại vật liệu mang tính địa phương với khả năng phục hồi tốt càng được đánh giá cao về mặt thiết kế, bởi những gì thuộc về bản địa sẽ luôn gắn liền với sức khỏe con người lưu trú tại khu vực đó.

Bản sắc cá nhân – dấu hiệu hạnh phúc

Nếu như sức khỏe thể chất là thước đo chung cho hầu hết các thiết kế thì tinh thần lại là giá trị riêng tạo nên sự khác biệt, thể hiện qua bản sắc cá nhân. Sự xuất hiện của yếu tố hoài niệm, sở thích riêng, hay đơn giản là cảm xúc tích cực cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Chính yếu tố này cũng là điều các nhà sáng tạo trên toàn thế giới ngày càng quan tâm hơn thay vì chỉ xem xét sản phẩm thiết kế của họ và mức độ hài lòng của khách hàng. Tạo nên những không gian kích thích tối đa ngũ quan theo hướng tích cực và cải thiện tinh thần con người đang trở thành một bài toán tuy khó nhưng cần của NTK.

the-chat-va-tinh-than-chuan-muc-moi-cua-thiet-ke-khong-gian
Nhà hàng Opa với thiết kế nhằm tôn vinh ẩm thực chay. Ảnh: Yoav Gurin

Ngày càng có nhiều sự xuất hiện của các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng thần kinh, phản ứng cảm xúc, tâm lý học môi trường, điển hình là sự tương tác của con người với môi trường xung quanh. Tất cả nhằm mục đích hiểu được não bộ con người phẩn ứng thế nào với thẩm mỹ, nghệ thuật và thiết kế. Điều này chứng minh rằng, sức khỏe tinh thần con người có liên quan mật thiết với không gian sống.

the-chat-va-tinh-than-chuan-muc-moi-cua-thiet-ke-khong-gian
Dự án dân cư Reusing Posidona tận dụng nguồn vật liệu địa phương

Nếu có dịp đọc qua các cuốn sách ảnh Veranda: A Passion for Living do Carolyn Englefield biên soạn, có thể thấy mỗi công trình ghi dấu trong đó, không phải hầu hết mà là tất cả đều mang cá tính riêng của gia chủ thể hiện qua đồ vật, màu sắc, vật liệu. NTK, thương buôn đồ cổ Axel Vervoordt lẽ dĩ nhiên sẽ chất đầy ngôi nhà với những món đồ mà ông đích thân đem về được dù chúng có nứt mẻ, bụi bặm. Jean-Lou Daraux – một chuyên gia trang trí người Pháp lại có niềm tin mãnh liệt vào Douceur de vivre – một cuộc sống ngọt ngào – và kết quả là một ngôi nhà mang nhiều văn hóa từ Italy, Trung Hoa, Pháp được hình thành. Thậm chí có những không gian còn được phục hồi, trùng tu lại từ công trình mang tính lịch sử nhằm vay mượn nguồn ký ức đẹp đã từng tồn tại nơi đó với mục đích chăm lo sức khỏe tinh thần của con người đương thời.

the-chat-va-tinh-than-chuan-muc-moi-cua-thiet-ke-khong-gian
Organic House, ngôi nhà dưới lòng đất

 

Thực chất việc chăm lo cho tinh thần từ lâu đã được quan tâm chú trọng nhưng khi đặt chúng bên khái niệm thẩm mỹ thiên hướng thể chất, chúng ta mới thấy rõ hoàn cảnh tương quan và mối liên kết giữa các vấn đề. Phải chăng tính tương đối của đẹp – xấu từ lâu vẫn chưa thể định rõ ràng là do sự ràng buộc của hai chuẩn mục này?  Và liệu rằng con người sẽ khai phá được tường tận từng ngóc ngách của thẩm mỹ thể chất – tinh thần ra sao trong tương lai, hãy dành câu trả lời ấy cho tương lai đầy hứa hẹn.