‘Vừa yêu vừa ghét’ cha mẹ liệu có phải là một điều khó chấp nhận?

Bạn có bao giờ bị dằn vặt vì cảm giác ‘vừa yêu vừa ghét’ bố mẹ? Đừng lo, bạn không phải là người duy nhất đâu, chào mừng bạn đến với love-hate relationship.

Người con tần ngần thở dài trước những cuộc gặp gia đình, vì ái ngại những lời chê trách hay cuộc tranh luận dông dài. Người con bất đồng ý kiến, chọn sự nghiệp và lối sống khác với kỳ vọng của cha mẹ, kéo theo đó là những rạn nứt về mặt tinh thần. Tệ hơn, người con bị tổn thương tâm lý bởi những hành vi của cha mẹ mà họ vẫn chưa thể tha thứ.

Tuy nhiên, mặc cho những mâu thuẫn chưa được phân giải, người con vẫn yêu thương và trân trọng cha mẹ mình. Cảm xúc ‘vừa yêu vừa ghét’ liệu có ngược đời?

Các nghiên cứu xã hội học thường phân loại quan hệ giữa cha mẹ và con cái theo các loại tương tác: tích cực, tiêu cực và mâu thuẫn – hay còn gọi là ‘vừa yêu vừa ghét’. Thực tế, cảm xúc mâu thuẫn này khá phổ biến, đặc biệt trong giai đoạn con cái đã trưởng thành và bố mẹ thì đang bước vào tuổi già. Một mặt, họ lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ khi ở ‘sườn dốc bên kia’ của cuộc đời. Mặt khác, họ vẫn chưa quên được những tổn thương mà bố mẹ gây ra trong quá khứ hoặc có bất đồng với bố mẹ trên cương vị là người trưởng thành.

Nghiên cứu cho thấy bản chất khó đoán của quan hệ ‘vừa yêu vừa ghét’ có tác hại không kém quan hệ hoàn toàn tiêu cực, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của cả con cái lẫn bố mẹ. Và hiểu rõ nguyên nhân thường sẽ là bước đầu tiên để chúng ta chữa lành.

Từ đâu chúng ta có cảm xúc phức tạp với cha mẹ? (Nguồn: Freepik)

Love – hate relationship là gì?

Ambivalent relationship, hay ‘Love-hate relationship’ (quan hệ yêu-ghét), có đặc trưng là những cảm xúc đối nghịch diễn ra đồng thời hoặc liên tục thay thế lẫn nhau, bao gồm:

  • Cảm xúc tích cực: yêu thương, quan tâm, biết ơn,… một cách chủ động hay bị động do ảnh hưởng của hình mẫu xã hội.
  • Cảm xúc tiêu cực: ghét, tức giận, đau buồn,… hướng đến hành động, tính cách hoặc đối phương nói chung.

Quan hệ yêu-ghét là một hiện tượng thường thấy ở con cái trong giai đoạn dậy thì và trưởng thành, lẫn cha mẹ hoặc người bảo hộ.

Tại sao nhiều người ‘vừa yêu vừa ghét’ cha mẹ?

Nguyên nhân của quan hệ yêu-ghét đến từ cả con cái lẫn phụ huynh. Cần nhấn mạnh, nỗi ‘ghét’ của con cái thường nhắm đến một số hành động hoặc quan điểm cụ thể của phụ huynh, chứ không hướng tới cha mẹ trên tư cách cá nhân.

Các hành vi tiêu cực từ cha mẹ

Khác với bức tranh được truyền thông lý tưởng hóa về gia đình hoàn hảo, thực tế khó mà tìm thấy những cha mẹ chưa từng mắc sai lầm. Theo giáo sư Jane Adams, có nhiều quan điểm, hành động tiêu cực của cha mẹ khiến con cái trưởng thành ghét, ví dụ:

  • Luôn cho rằng mình đúng và không tôn trọng ý kiến của con cái.
  • Không hiểu con cái là người như thế nào . Tuy con cái trưởng thành đã khác so với những đứa trẻ, nhiều bố mẹ vẫn suy diễn những điều con nghĩ.
  • Đổ vỡ trong mối quan hệ của cha mẹ (ly hôn, ly thân hoặc cãi vã trong thời gian dài) mà không có hồi kết hoàn chỉnh giữa các bên.
  • Không cho con cái có cuộc sống riêng, luôn xen vào đời sống cá nhân của con, kể cả quyết định sự nghiệp và hôn nhân.
  • Không tôn trọng các ranh giới của con cái, ví dụ chế giễu hoặc kể bí mật của con với người khác.
  • Không lắng nghe con, điển hình với hành động thường xuyên ngắt lời con hoặc không đặt câu hỏi mà chỉ đưa ra mệnh lệnh.
  • Khiến cho mâu thuẫn giữa anh chị em ruột thêm căng thẳng bằng việc chọn phe, so sánh hoặc nói xấu.

Cực đoan hơn, trong các gia đình độc hại, khi bố mẹ bạo hành (về mặt thể chất, lời nói hoặc cảm xúc) hoặc bỏ rơi con cái, việc căm ghét bố mẹ là chuyện hoàn toàn bình thường, thậm chí là dễ hiểu.

Không có gì bất thường đối với bạn khi có mang cảm giác ‘vừa yêu, vừa ghét’ với bố mẹ (Nguồn: Freepik)

Về phía những người con

Kể cả khi bố mẹ yêu thương, hết mình vì con cái, những người con vẫn có thể có một số cảm xúc tiêu cực. Theo dịch vụ trị liệu tâm lý Thriveworks, một số lý do con cái khi đã lớn ‘ghét’ cha mẹ dù gia đình lành mạnh bao gồm:

  • Mong muốn tự lập: Con cái muốn có nhiều quyền tự chủ hơn, nhưng hai bên không giao tiếp rõ ràng về kỳ vọng và giới hạn.
  • Giai đoạn nổi loạn: Hầu hết thiếu niên trải qua một thời gian nổi loạn khi muốn tìm ra cá tính riêng. Trong giai đoạn này, phản ứng tiêu cực từ cha mẹ có thể khiến mối quan hệ thêm rạn nứt.
  • Chênh lệch về kỳ vọng: Con cái kỳ vọng vào cha mẹ là hình mẫu lý tưởng, trong khi cha mẹ là người bình thường với những sai lầm của riêng họ. Thriveworks nhấn mạnh những hình mẫu này dễ dẫn đến việc con trẻ so sánh cha mẹ với những kỳ vọng xa rời thực tế.
  • Khoảng cách thế hệ: khác biệt về giá trị và lối sống.

‘Ghét’ cha mẹ liệu có lạ thường?

Xung đột gia đình – một hiện tượng không hề hiếm gặp

Xung đột với cha mẹ, tuy còn là một chủ đề ít được đề cập trong văn hóa phương Đông, thực chất là một hiện tượng phổ biến. Trong nghiên cứu về căng thẳng giữa con cái trưởng thành và bố mẹ, Phó Giáo sư Kira Birditt tại Đại học Michigan cho biết, 94% đối tượng trả lời có xung đột với bố mẹ. Nghiên cứu cũng chỉ ra: mối quan hệ giữa mẹ và con gái trưởng thành còn nhiều căng thẳng hơn nữa – Birditt gọi đây là mối quan hệ “gần gũi nhất và cũng nhiều điểm khó chịu nhất”.

Bạn không phải là người duy nhất mang cảm xúc này với bố mẹ (Nguồn: Freepik)

Mối liên hệ giữa ‘yêu’ và ‘ghét’

Mặc dù ‘yêu’ và ‘ghét’ thường được coi như hai cảm xúc hoàn toàn đối nghịch nhưng thật ra về mặt sinh học, chúng có mối liên hệ vô cùng mật thiết. Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Sinh học Thần kinh Wellcome chỉ ra: khi yêu hay khi ghét một người, hai vùng não bộ là insula và putamen đều được kích hoạt.

Vì yêu và ghét đều là những cảm xúc mãnh liệt, sẽ rất dễ để cảm xúc yêu chuyển hóa thành ghét một khi có biến cố xảy ra.

Khi yêu thương, chúng ta dễ rơi vào bẫy lý tưởng hóa. Cha mẹ là những hình mẫu người lớn chủ chốt trong cuộc đời con trẻ, và khi họ mắc sai lầm, người con dễ bị trầm trọng hóa điểm sai của cha mẹ hơn. Theo đó là cảm giác hụt hẫng, đau buồn và tệ hơn là cảm xúc ‘ghét’.

Như lời triết gia và nhà hoạt động nhân đạo Elie Wiesel: “Đối nghịch với tình yêu không phải là lòng căm ghét, mà là sự vô tâm”. 

Hiểu được cảm xúc này là bước đầu trong việc chữa lành vết thương cho chính bạn (Nguồn: Unsplash)

Kết

Bản chất cảm xúc ‘ghét’ không sai. Phần lớn đó là phản ứng tự nhiên với các mâu thuẫn và sai lầm trong mỗi gia đình. Nhận thức cảm xúc và hiểu rõ nguồn cơn mâu thuẫn sẽ là bước đầu giúp bạn chữa lành bản thân và xây dựng mối quan hệ lành mạnh.

Đừng cảm thấy quá tội lỗi khi có cảm xúc yêu-ghét lẫn lộn về cha mẹ. Hãy trân trọng những điều bạn yêu về bố mẹ mình, và đánh giá đúng mực, bình tĩnh những điểm bạn ghét. Hãy nhớ: bạn có thể quyết định sự khác biệt giữa cảm xúc và hành động. Bạn hoàn toàn có thể có những cảm xúc tiêu cực, trong khi vẫn hành xử hiếu thảo, yêu thương với cha mẹ mình.

Nguồn: Vietcetera

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *